ẨM THỰC MIỀN TÂY: 9 món ăn nhất định phải thử khi đến Miền Tây mùa nước nổi

 

ẨM THỰC MIỀN TÂY: 9 món ăn nhất định phải thử khi đến Miền Tây mùa nước nổi

Đến với miền Tây, thực khách sẽ được thưởng thức những món ngon độc đáo, mang đậm dấu ấn vùng sông nước mà khó tìm thấy ở nơi nào khác.

Mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ thường kéo dài từ tháng 7 – tháng 10 Âm lịch (tức tháng 8 – tháng 11 Dương lịch) tầm tháng 9 hoặc 10 dương lịch). Đây là khoảng thời gian nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đồng bằng Sông Cửu Long, tạo thành biển nước, gây ngập các cánh đồng và kênh rạch.

Vào thời điểm này, cảnh vật miền Tây như khoác lên mình chiếc áo mới. Những cánh đồng xanh mướt trải dài, những con kênh, con rạch chằng chịt, lấp lánh dưới ánh nắng mMặt trời tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, miền Tây mùa nước nổi còn nổi tiếng với những món đặc sản hấp dẫn. Du khách đến đây sẽ được tận hưởng những món ăn tươi ngon, đặc trưng của người bản địa.

1. Lẩu cá linh

 

Ảnh: Hà Lâm (Vnexpress)

Lẩu cá linh là món ăn đậm chất miền Tây, đặc biệt nổi bật vào mùa nước nổi khi cá linh tươi ngon được thu hoạch nhiều. Chỉ cần ngồi quanh nồi lẩu nghi ngút khói, du khách đã cảm nhận được hương vị đặc trưng của miền sông nước, từ vị chua nhẹ của me, vị ngọt thanh của cá linh cho đến hương thơm dịu của các loại rau đồng.

Điểm nhấn của món ăn này chính là cá linh tươi, thịt ngọt và mềm, không cần quá nhiều gia vị cầu kỳ mà vẫn giữ được vị tự nhiên, nguyên sơ. Khi nhúng từng miếng cá vào nồi lẩu, hương thơm thoảng lên từ bông điên điển, bông súng, rau nhút – những loại rau chỉ có vào mùa nước nổi khiến cho món ăn thêm phần tinh tế.

2. Cá lóc nướng trui

Ảnh: Đặng Tài Giỏi

Cá lóc nướng trui là một món ăn đặc sản nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ, được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon và cách chế biến độc đáo. Món này được chế biến từ cá lóc tươi ngon, vừa đánh bắt về, giúp giữ được độ ngọt tự nhiên của thịt cá.

Để làm món cá lóc nướng trui, người ta thường dùng cách nướng trực tiếp trên lửa than. Cá lóc được làm sạch, để nguyên con hoặc có thể được cắt làm đôi, sau đó ướp gia vị như: muối, tiêu, hành, tỏi, và chút tiêu xanh để tăng thêm hương vị.

Cá lóc nướng đậm vị Miền Tây

Sau khi cá chín, phần da cá sẽ trở nên giòn rụm, còn thịt bên trong thì mềm, thơm ngon. Món cá lóc nướng trui thường được ăn kèm với rau sống, bánh tráng và nước mắm chua ngọt.

3. Lẩu mắm

Ảnh: Bếp của vợ

Lẩu mắm là món ăn đặc trưng và tự hào của ẩm thực miền Tây Nam Bộ, với hương vị đậm đà, phong phú mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Nguyên liệu chính của món lẩu này là mắm cá linh hoặc mắm cá sặc – những loại mắm dân dã, phổ biến tại vùng sông nước. Khi nấu, mắm được hòa tan vào nước dùng, kết hợp cùng các loại gia vị, tạo nên mùi thơm nồng đặc trưng.

Sự hấp dẫn của lẩu mắm không chỉ ở nước dùng mà còn nằm ở sự đa dạng của các loại nguyên liệu đi kèm. Món lẩu thường được ăn cùng các loại hải sản như tôm, mực, cá lóc và thịt ba chỉ, cùng các loại rau đồng xanh mướt như: bông súng, điên điển, rau nhút, rau muống.

4. Bánh xèo

Ảnh: Cô Ba Bình Dương

Bánh xèo là món ăn nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Món bánh này chinh phục thực khách bởi lớp vỏ vàng giòn rụm, thơm lừng, ôm lấy phần nhân tôm, thịt, giá đỗ và đôi khi là đậu xanh. Bánh xèo miền Tây thường có kích thước lớn hơn so với các vùng khác, mang lại sự thỏa mãn cho cả thị giác và vị giác.

Bánh xèo hến Cù lao Dài

Khi ăn, từng miếng bánh được cuộn với rau sống như: xà lách, rau diếp cá, rau thơm, thêm chút khế chua và chuối chát, rồi chấm với nước mắm chua ngọt. Tất cả hòa quyện tạo nên hương vị tươi mát, chua ngọt hài hòa, từ vị béo giòn của vỏ bánh, vị ngọt của tôm, thịt cùng vị thơm nồng của rau sống.

5. Điên điển xào tôm

Ảnh: Lẩu mắm Cần Thơ

Điên điển xào tôm là món ăn đặc biệt phổ biến vào mùa nước nổi khi bông điên điển nở rộ. Loại bông vàng rực rỡ này có hương vị bùi bùi, thanh mát, rất phù hợp khi kết hợp với tôm tươi.

Món điên điển xào tôm mang đến sự hòa quyện tuyệt vời giữa vị ngọt của tôm và vị thanh nhẹ, hơi đắng nhẹ của bông điên điển. Khi xào, tôm giữ được độ săn chắc và thấm đều gia vị, trong khi bông điên điển vẫn giữ được màu sắc vàng tươi và độ giòn tự nhiên, làm món ăn thêm phần hấp dẫn.

6. Bánh tằm bì Cần Thơ

Ảnh: Thanh Bùi - Vnexpress

Bánh tằm bì nổi tiếng tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ. Món này kết hợp giữa sợi bánh tằm trắng mịn, bì heo giòn bùi và nước cốt dừa béo ngậy. Sợi bánh tằm mềm dẻo, thấm đẫm trong nước cốt dừa sánh mịn, tạo cảm giác thơm ngon, hấp dẫn.

Bánh thường được ăn kèm với rau sống như xà lách, giá đỗ, thêm chút đậu phộng giã nhuyễn và mỡ hành.

7. Ốc bươu nướng tiêu xanh

Ảnh: Giáp Thị Kiều

Ốc bươu nướng tiêu là món ăn được ưa chuộng ở các tỉnh miền Tây. Món này nổi bật nhờ hương vị cay nồng của tiêu, hòa quyện với vị ngọt dai tự nhiên của thịt ốc bươu.

Sau khi sơ chế sạch, ốc được ướp với bột canh, tiêu, tỏi, nước mắm, rồi nướng trên bếp than hồng. Khi chín, ốc tỏa ra mùi thơm lừng, thấm đẫm gia vị cay cay, đậm đà. Món ốc bươu nướng tiêu thường được ăn kèm với rau răm và chấm muối tiêu chanh.

8. Cua đồng rang me

Ảnh: Chang Ăn Gì

Cua đồng được chiên giòn, sau đó áo một lớp sốt me chua thanh, kết hợp cùng chút đường, tỏi phi, và ớt để tạo vị đậm đà, hấp dẫn.

Khi thưởng thức, cua giòn rụm bên ngoài, thấm đẫm vị sốt me chua cay ngọt khiến ai ăn cũng khó lòng quên được. Món này thường được ăn kèm với rau sống hoặc cơm nóng, mang lại cảm giác ngon miệng và gợi nhớ đến những bữa ăn thôn quê bình dị, dân dã.

9. Canh chua bông so đũa

Ảnh Song Nghi (Người lao động)

Canh chua bông so đũa có hương vị thanh mát và chua nhẹ. Bông so đũa – loài hoa trắng ngần, có vị đắng nhẹ và giòn mềm, khi nấu canh mang lại hương vị đặc biệt hấp dẫn.

Món canh thường được nấu với cá lóc, tôm hoặc tép, thêm vị chua từ me hoặc trái bần, kết hợp cùng các loại rau như giá, đậu bắp, cà chua. Nước canh trong veo, ngọt thanh, pha chút chua dịu giúp cân bằng vị đắng nhẹ của bông so đũa, tạo nên hương vị hài hòa.

10. Món ngon từ dừa

Bến Tre, xứ sở của dừa, lại quyến rũ du khách bằng những món ăn độc đáo từ loại quả đặc trưng này. Bún thịt xào dừa đậm đà, chuối sáp dừa xiêm ngọt lịm, bánh tráng sữa dừa béo ngậy, kẹo dừa thơm ngon, đuông dừa món ăn được làm từ ấu trùng sống trong cây dừa thoạt nhìn hơi e sợ nhưng là món ăn giàu chất dinh dưỡng.…Tất cả hòa quyện tạo nên bản sắc ẩm thực riêng biệt của vùng đất này.

 

Đuông dừa

11. Hủ tiếu

Du khách đến Tiền Giang, hầu như ai cũng muốn thưởng thức món ăn đặc trưng nhất của thành phố bên bờ sông Tiền đó là hủ tiếu Mỹ Tho. Tô hủ tiếu nóng hổi, thơm lừng, chinh phục thực khách bởi nước dùng ngọt thanh đậm đà, sợi hủ tiếu dai mềm hòa quyện cùng tôm thịt tươi ngon, rau sống xanh mướt. Bên cạnh đó, những món ăn dân dã như xôi chiên phồng giòn rụm hay ốc gạo Tân Phong béo ngậy, nhâm nhi cùng ly rượu đế Gò Đen “Đệ Nhất Tửu” khiến du khách một lần thưởng thức là nhớ mãi không quên.

Hủ tiếu Mỹ Tho

12. Bánh tét Trà Cuôn – Trà Vinh 

Trong những món ngon đặc sản Trà Vinh, không thể không kể đến bánh tét Trà Cuôn trứ danh. Từng đòn bánh tét xanh mướt, dẻo thơm, ẩn chứa bên trong là nhân đậu xanh bùi bùi, thịt mỡ béo ngậy, hòa quyện cùng vị nếp dẻo thơm. Dừa sáp thơm ngon, ốc len xào dừa dân dã, với ốc len tươi ngon, xào cùng nước cốt dừa, tạo nên hương vị khác biệt. Món chù ụ rang me chua ngọt, đậm đà cũng là đặc sản khó lòng bỏ qua khi đến đây.

Bánh tét Trà Cuôn trứ danh

13. Sen – Đồng Tháp

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, mê hoặc thực khách với những món ăn tinh tế từ sen: Cơm hạt sen thơm bùi, gỏi ngó sen thanh mát, hạt sen rang muối,… Ốc treo giàn bếp, quýt hồng Lai Vung ngọt thanh nhiều vitamin, nem Lai Vung chua chua, cay cay, ngọt ngọt, giòn giòn cũng là món ăn đặc trưng của Đồng Tháp.

Quýt hồng Lai Vung

14. Cá thác lác – Hậu Giang 

Hành trình khám phá Hậu Giang sẽ thật thiếu sót nếu bạn bỏ lỡ món chả cá thác lác trứ danh. Loài cá này vốn là niềm tự hào của người dân địa phương, góp phần làm nên bản sắc ẩm thực độc đáo cho vùng sông nước Cửu Long. Thịt cá thác lác ngọt thơm, beo béo, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như rút xương, chiên sả ớt, nướng sả ớt… nhưng có lẽ đặc sắc nhất phải kể đến món chả cá.. Bên cạnh đó món Cháo lòng Hậu Giang với cách nấu cầu kỳ, hương vị đậm đà cũng khiến thực khách say mê. Đừng quên tráng miệng bằng những quả khóm Cầu Đúc thanh mát ngọt lịm giải nhiệt, xua tan mọi oi bức và mua các sản phẩm từ khóm về làm quà cho người thân.

Cá thác lác niềm tự hào của Hậu Giang

Cá thác lác niềm tự hào của Hậu Giang

15. Lẩu mắm – Cần Thơ – Thủ phủ miền Tây

Ẩm thực Cần Thơ kích thích vị giác nào là nồi lẩu mắm thơm lừng, dậy vị ngọt béo của cá linh, cá sặc hòa quyện cùng vị thanh mát của rau đồng, thịt cá tươi rói. Rồi bánh hỏi mặt võng Phong Điền dẻo thơm, bánh cống giòn rụm, vịt nấu chao beo béo hay những trái dâu Hạ Châu ngọt lịm…

Bánh hỏi mặt võng

Bánh hỏi mặt võng

16. An Giang – Xứ sở thốt nốt

Vùng đất giao thoa văn hóa An Giang, nơi tinh hoa ẩm thực Kinh – Khmer – Hoa – Chăm hội tụ, mang đến một bản hòa ca hương vị đầy mê hoặc. Từ cơm tấm Long Xuyên, bánh xèo rau rừng Núi Cấm thơm lừng, bò leo núi, bánh bò thốt nốt ngọt ngào đến vương quốc mắm Châu Đốc đậm đà, hay Tung lò mò độc đáo, tất cả tạo nên bức tranh ẩm thực An Giang sống động, níu chân thực khách phương xa.

Tung lò mò đặc sản của dân tộc Chăm

Tung lò mò đặc sản của dân tộc Chăm

17. Kiên Giang – Thiên đường hải sản tươi sống

Biển đảo Kiên Giang trù phú với nguồn hải sản tươi sống như là gỏi cá trích, ghẹ Hàm Ninh chắt thịt. Nước mắm cá cơm sóng sánh giàu chất đạm, hạt tiêu Phú Quốc thơm lừng, cùng món bún quậy Kiên Giang làm say lòng biết bao thực khách.

Gỏi cá trích

Gỏi cá trích

18. Sóc Trăng – Vùng đất của những ngôi chùa Khmer

Ngoài vẻ đẹp thanh tịnh của những ngôi chùa Khmer cổ kính, Sóc Trăng còn khiến du khách nhớ mãi hương vị ẩm thực mộc mạc, ngọt ngào khó quên. Từng miếng bánh Pía thơm lừng, vỏ bánh mềm mịn ôm trọn nhân đậu xanh bùi bùi, hòa quyện cùng vị béo ngậy của sầu riêng, tan chảy trên đầu lưỡi. Tô bún giỏ dà, bún nước lèo sóng sánh, đậm đà hương vị miền Tây, ăn kèm cá lóc đồng tươi rói, tôm ngọt thịt, thịt heo quay giòn bì. Lạp xưởng Sóc Trăng với vị ngọt béo đặc trưng cũng là món quà được du khách ưa chuộng.

Bánh Pía  Sóc Trăng

Bánh Pía Sóc Trăng

19. Bạc Liêu – Quê hương của đơn ca tài tử Nam Bộ

Bạc Liêu chinh phục thực khách bằng những món ăn dân dã, đậm đà hương vị miền Tây như bún bò cay, ba khía rang me, bánh củ cải, hủ tiếu mỳ khô… Mỗi món ăn đều mang đến những trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Bún bò cay

Bún bò cay

20. Cà Mau – Vùng đất tận cùng Tổ quốc

Cua Cà Mau săn chắc, thịt ngọt đậm đà nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Từ món cua hấp đơn giản đến cua rang me, cua sốt tiêu đen… đều khiến thực khách phải xuýt xoa khen ngợi. Bánh tầm cay Cà Mau với sợi bánh dai mềm, nước sốt cà ri sánh mịn, cay nồng, ba khía, cá thòi lòi, gỏi nhộng ong U Minh… cũng là món ăn đặc sản của vùng đất này.

Cua Cà Mau

Cua Cà Mau

Ẩm thực miền Tây không chỉ là sự kết hợp tinh tế của các nguyên liệu tươi ngon từ thiên nhiên, mà còn là sự biến tấu tài tình theo mùa vụ, tạo nên sự đa dạng và phong phú cho bữa ăn. Từng món ăn đều mang đậm hồn quê, mộc mạc, giản dị mà chan chứa yêu thương, thể hiện sự trân trọng với thiên nhiên và lòng mến khách của người dân Nam Bộ.

Trên đây chỉ là một số đặc sản miền Tây tiêu biểu. Vùng đất này còn rất nhiều món ăn ngon khác đang chờ du khách khám phá. Hãy du lịch miền Tây để trải nghiệm nét văn hóa ẩm thực độc đáo và cảm nhận sự thân thiện, mến khách của người dân nơi đây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

đặt xe